Mâm ngũ quả không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên của người Việt mỗi khi Tết đến xuân về. Theo quan điểm dân gian, mâm ngũ quả thể hiện cho sự sung túc, đủ đầy, mang đến nhiều tài lộc, may mắn cho gia chủ. Chính vì vậy, mỗi gia đình đều rất chú trọng để có một mâm ngũ quả ngày tết thật đẹp, thật ý nghĩa. Cùng Dạy nấu ăn Gia đình, Mở quán ®™ tìm hiểu thêm về nét đẹp ngày Tết này nhé!
Mâm ngũ quả có ý nghĩa mang lại nhiều may mắn, bình an cho gia đình vào năm mới. Ảnh: Internet
Nguồn gốc của mâm ngũ quả ngày Tết
Trong kinh Vu lan bồn của đạo Phật có sự xuất hiện hình ảnh của 5 loại trái cây 5 màu. 5 màu này tượng trưng cho ngũ thiện căn của giáo lý đạo Phật là tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt). Ngoài ra, theo quan niệm của người Việt xưa, số 5 là con số tượng trưng cho ngũ phúc lâm môn tức là trường thọ, phú quý, khang ninh, hảo đức, thiện chung. Sự kết hợp của 5 ngũ phúc này sẽ giúp con người tạo nên một cuộc đời mỹ màn, tràn đầy. Có thể xuất phát từ đây, người Việt đã chọn hình ảnh 5 loại trái cây với 5 màu sắc khác nhau để bày biện trong ngày Tết để mong cầu bình an, may mắn.
Tùy theo văn hóa từng vùng miền, 5 loại trái cây xuất hiện trên mâm ngũ quả sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, vị trí sắp xếp cũng sẽ thay đổi theo từng miền.
Ý nghĩa mâm ngũ quả 3 miền
Mâm ngũ quả thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và ước mong những điều tốt lành cho một năm mới sắp đến. Ngày nay, mâm ngũ quả không chỉ xuất hiện ở bàn thờ gia tiên mà nhiều gia đình còn bày chúng trên bàn tiếp khách như một vật phẩm trang trí cho không gian thêm “chất” xuân.
Mâm ngũ không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên ngày Tết. Ảnh: Internet
Trên mâm ngũ quả ở 3 miền đất nước thường xuất hiện 1 số loại quả gắn liền với nhiều ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn như, quả bưởi tượng trưng cho sự đủ đầy; quả quýt tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt; quả lê tượng cho sự thuận lợi, suôn sẻ; quả đào tượng trưng cho sự thăng tiến; quả táo tượng trưng cho sự phú quý; quả sung tượng trưng cho sự sung túc, đu đủ tượng trưng cho sự phồn thịnh… Tuy nhiên, tùy theo vùng miền người Việt sẽ lựa chọn những loại quả thích hợp với triết lý nhân sinh của mình.
Mâm ngũ quả miền Bắc
Người miền Bắc thường bày biện mâm ngũ quả theo thuyết ngũ hành. Tức là, mâm ngũ quả sẽ được chọn theo màu sắc của 5 hành: kim (trắng), mộc (xanh), thủy (đen), hỏa (đỏ), thổ (vàng). 5 loại quả tương ứng với 5 màu sẽ được phối xen kẽ với nhau tạo nên một tổng thể hòa hợp theo thuyết ngũ hành của văn hóa phương Đông.
Theo đó, những loại quả thường xuất hiện trong mâm ngũ quả của miền Bắc sẽ là chuối, bưởi, phật thủ, cam, xoài, táo, lựu… Thông thường nải chuối sẽ được đặt ở dưới, nâng đỡ các loại quả khác. Nải chuối được bày trên mâm ngũ quả phải có số quả lẻ vì theo quan niệm dân gian “lẻ là đẻ ra tiền”.
Mâm ngũ quả miền Bắc không thể thiếu chuối. Ảnh: Internet
Mâm ngũ quả người miền Nam
Người miền Nam lại chú trọng đến ý nghĩa hoặc âm đọc của từng loại quả để chọn lựa. Thông thường, họ sẽ chọn quả mãng cầu, đu đủ, sung, xoài, dừa. Và những loại quả này được người miền Nam đọc thành “cầu – vừa – đủ – xài – sung” với ý nghĩa mong muốn cuộc sống trong năm mới sẽ sung túc, đầy đủ hơn.
Trái với quan niệm của người miền Bắc, người miền Nam không bày chuối lên mâm ngũ quả vì từ chuối phát âm giống với “chúi” (không đi lên, phát triển được). Tương tự, quả cam, quýt cũng không xuất hiện trong mâm ngũ quả của người miền Nam vì cho rằng từ cam có nghĩa là cam chịu hoặc quýt làm cam chịu.
“Cầu – vừa – đủ – xài – sung” là điểm đặc trưng của mâm ngũ quả miền Bắc. Ảnh: Internet
Cách bày mâm ngũ quả của người miền Nam rất đơn giản, những quả có kích thước lớn sẽ được đặt lên dĩa trước, sau đó sẽ đặt các quả nhỏ hơn xen kẽ vào sao cho tạo thành hình tháp.
Mâm ngũ quả của người miền Trung
So với miền Bắc và miền Nam, người miền Trung đơn giản hơn trong việc bày biện mâm ngũ quả. Về ý nghĩa là nét giao thoa giữa 2 miền. Người miền Trung thường sử dụng các loại quả như bưởi, xoài, dưa hấu, táo, sung, dứa, mãng cầu… cho mâm ngũ quả.
Cách bày mâm ngũ quả của người miền Trung tương tự như người miền Nam, những quả to nặng sẽ được đặt bên dưới, các quả nhỏ sẽ được xếp lên trên hoặc xen kẽ vào chỗ trống.
Mâm ngũ quả của miền Trung có phần đơn giản hơn. Ảnh: Internet
Một số lưu ý cần tránh khi bày mâm ngũ quả
Chưa hiểu đúng về ý nghĩa mâm ngũ quả
Tùy theo vùng miền, cần hiểu rõ về ý nghĩa của mâm ngũ quả để lựa chọn đúng loại quả thể hiện được mong muốn của gia chủ. Tránh chọn những quả không đi đúng với ý nghĩa hoặc không đủ 5 loại quả. Đặc biệt, với người miền Bắc, mâm ngũ quả được bày biện theo triết lý ngũ hành nên cần phải chọn đúng 5 loại trái cây có màu sắc tương ứng với 5 hành.
Rửa quả cho sạch trước khi bày
Khi mua hoa quả về, bạn không nên rửa sạch vì nước đọng lại sẽ khiến cho các loại quả bị úng, hỏng. Chính vì vậy, bạn chỉ cần dùng khăn giấy ướt lau thật sạch vỏ bên ngoài là được. Với những quả bưởi bị mốc hay ố, bạn có thể hòa một ít nước vôi và dùng khăn chấm nước vôi để lau là sẽ tẩy được các vết này.
Lựa chọn quả chín
Nếu muốn mâm ngũ quả để được lâu và luôn tươi trong xuyên suốt những ngày Tết, bạn nên chọn mua những quả già, không được chín quá. Hoa quả chín quá sẽ dễ héo, úng, thu hút các loại ruồi bọ làm ô uế không gian thờ cúng. Đặc biệt với chuối, bạn nên mua những nải chuối già cứng thì mới nâng đỡ được các loại quả khác.
Không nên chọn quả quá chín để bày mâm ngũ quả. Ảnh: Internet
Không chọn những quả có gai nhọn
Theo quan niệm phong thủy của người phương Đông, gai nhọn có thể ảnh hưởng đến sự bình an, hạnh phúc của gia đình. Ngoài ra, những quả có gai gọn sẽ khiến cho tổng thể mâm ngũ quả không được đẹp mắt. Đồng thời, gai nhọn cũng sẽ làm ảnh hưởng đến những loại quả khác. Chính vì vậy, bạn nên chọn những loại quả có vỏ trơn láng, màu sắc tươi sáng để bày mâm ngũ quả.
Dùng hoa quả giả để bày mâm ngũ quả
Việc bày hoa quả giả thể hiện sự thiếu tôn trọng thần linh, gia tiên và không có lợi cho phong thủy gia đình. Đồng thời không thể hiện được lòng thành kính của gia chủ.
Dùng những quả không méo mó
Bạn nên chọn những quả tròn trịa, căng bóng vì theo phong thủy chúng mang năng lượng tốt, tượng trưng cho sự suôn sẻ, thuận lợi. Những quả méo mó, trầy xước có thể mang năng lượng xấu làm ảnh hưởng đến tài lộc của gia đình.
Hình ảnh về mâm ngũ quả đẹp
Cần tìm hiểu kỹ về ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết để có cách bày biện đúng. Ảnh: Internet
Mỗi vùng miền sẽ có cách bày trí khác nhau cho mâm ngũ quả. Ảnh: Internet
Bạn cũng có thể biến tấu thêm cho mâm ngũ quả của gia đình mình. Ảnh: Internet
Mâm ngũ quả ngày tết không thể thiếu trong mỗi gia đình. Để có thể mang đến thật nhiều tài lộc và may mắn cũng như thể hiện được lòng thành kính với tổ tiên, bạn cần hiểu rõ về ý nghĩa, cách chọn quả, trình bày mâm ngũ quả… Chúc bạn và gia đình có một năm mới an khang, thịnh vượng, vạn sự như ý.
Ý kiến của bạn