Củ kiệu chua ngọt là một món ăn kèm xuất hiện nhiều nhất vào dịp Tết. Kiệu muối nhanh, chỉ khoảng 3 ngày là có thể ăn được, bảo quản được lâu, cách làm củ kiệu thì vô cùng đơn giản. Nếu bạn đang học cách làm củ kiệu ăn kèm với bánh chưng, bánh tét hay nhâm nhi với thịt mỗi bữa cơm Tết này thì cùng theo dõi bài viết cùng Dạy nấu ăn Gia đình, Mở quán ®™ nhé!
Kiệu ngâm giấm chua ngọt là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền
Cách chọn mua củ kiệu ngon
Thông thường tại các chợ truyền thống hay siêu thị đang bán 2 loại kiệu chính là kiệu Huế (kiệu quế) và kiệu trâu. Mỗi loại kiệu sẽ thích hợp cho một phương pháp chế biến khác nhau. Với cách muối kiệu chua ngọt, bạn nên chọn kiệu Huế.
Bạn nên chọn những củ kiệu có kích thước thân nhỏ vừa phải. Không nên chọn củ quá to để tránh vị hăng nồng. Ngoài ra, củ kiệu nhỏ khi muối sẽ nhanh chua và dễ dàng thấm gia vị hơn.
Nên chọn những bó kiệu có màu trắng tươi, không trầy tróc, dập nát. Bạn dùng tay bóp thấy củ nào cứng chắc thì chọn vì đây là những củ già. Bạn chọn những cũ có thắt eo cong sẽ giúp cho thành phẩm đẹp mắt hơn.
Nên chọn củ kiệu Huế để muối chua sẽ ngon hơn. Ảnh: Internet
Cách làm củ kiệu chua ngọt đơn giản tại nhà
Nguyên liệu
- 1kg kiệu sau khi đã sơ chế sạch (bạn có thể mua khoảng 1.3 – 1.5kg kiệu còn gốc và thân)
- 300g đường cát
- 300g đường phèn
- 600ml giấm
- 8g muối xay
- 120g muối hạt
- 5g phèn chua
Các bước làm
Sơ chế kiệu
Sau khi mua kiệu về, bạn rửa với nước cho sạch đất cát, bụi bẩn. Sau đó, pha 120g muối hạt với 1.5 lít nước, khuấy đều tay cho muối tan ra. Tiếp theo, cho tất cả số kiệu vào ngâm trong 24h.
Sau 24h ngâm, bóp thấy kiệu hơi mềm tay là được. Khi đã ngâm đủ thời gian, xả lại kiệu dưới vòi nước nhiều lần cho sạch.
Tiếp theo, hòa 5g phèn chua với 5 lít nước, khuấy cho phèn chua tan rồi đổ kiệu vào ngâm trong khoảng thời gian 5 – 6h. Sau khi đã ngâm đủ thời gian, bạn xả lại nhiều lần với nước cho sạch.
Ngâm kiệu với nước muối trong 24h, sau đó tiếp tục ngâm với phèn chua trong 5 – 6h. Ảnh: Internet
Phơi nắng
Rải đều kiệu ra sàng tre hoặc mẹt tre… để phơi dưới nắng to. Thời gian phơi khoảng 4h. Không nên phơi quá khô vì sẽ làm cho lớp vỏ lụa dính chặt vào kiệu, rất khó lột bỏ.
Sau khi đã phơi đủ thời gian, dùng dao nhỏ cắt bỏ gốc. Chỉ cắt sơ bên ngoài không cắt sâu sát vào bên trong sẽ khiến cho món ăn không giữ được độ giòn. Sau khi cắt gốc, bạn chuyển sang lột nhẹ lớp vỏ lụa bên ngoài và gọt bỏ phần đuôi kiệu 1 chút.
Phơi kiệu dưới nắng lớn trong 4h. Ảnh: Internet
Ngâm giấm
Cho kiệu vào âu lớn, đổ 300ml giấm vào ngâm trong khoảng 8h.
Ngâm giấm trong 8h. Ảnh: Internet
Ướp đường
Khi đã ngâm giấm đủ thời gian, bạn vớt ra. Cho kiệu ra âu, rắc 300g đường cát đều vào kiệu, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín miệng âu, để ướp trong 2 ngày cho đường tan hết. Sau 2 ngày, bạn vớt kiệu ra, giữ lại lượng nước đường.
Ướp đường trong 2 ngày. Ảnh: Internet
Nấu nước giấm
Bắc nồi lên bếp cho vào 300ml giấm, 300g đường phèn, 8g muối và phần đường ướp kiệu, đun sôi hỗn hợp cho tan hết đường, tắt bếp, để nguội.
Muối kiệu
Xếp kiệu vào hũ thủy tinh. Để đẹp mắt hơn, bạn xếp đầu kiệu quay ra ngoài, đuôi quay vào trong, những củ kiệu nhỏ không đẹp cho vào giữa.
Múc nước giấm đường cho vào hũ kiệu, đậy kín nắp, để ở nhiệt độ phòng sau 3 ngày là đã có thể dùng được. Sau 3 ngày, cho hũ kiệu vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Thời gian bảo quản có thể lên đến 8 – 12 tháng mà vẫn giòn ngon.
Sắp kiệu vào hũ và cho nước giấm đường vào
Yêu cầu thành phẩm
Kiệu trắng, thơm, giòn, bóng, vị chua ngọt dịu.
Một số lưu ý khi làm kiệu ngâm chua
- Khi rửa kiệu phải hết sức nhẹ tay, không tách lớp vỏ bên ngoài củ và cũng không cắt bỏ phần gốc. Chỉ nên sửa với nước để làm sạch với đất cát, bụi bẩn.
- Ngâm kiệu 24h và nước ngâm phải xâm xấp mặt kiệu, không nên cho quá ít nước.
- Ngâm kiệu với phèn chua sẽ giúp cho thành phẩm trắng, giòn.
- Bạn chỉ nên sử dụng đúng 5g phèn chua pha với 5 lít nước để không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
- Dụng cụ phơi kiệu nên chọn những loại có khả năng thấm hút nước.
- Nếu trời nắng yếu có thể tăng thời gian phơi lên 6h.
- Bạn sử dụng giấm nuôi sẽ ngon hơn tuy nhiên nếu không có thì sử dụng giấm đóng chai vẫn được.
- Nên sử dụng hũ thủy tinh được rửa sạch, lau khô ráo để muối kiệu.
- Nước giấm đường thật nguội mới được cho vào hũ muối kiệu.
Củ kiệu ngoài dùng làm thức ăn thì còn được sử dụng như là một vị thuốc. Xét theo đông y, loại cây này khi ăn vào có tính ấm, bổ thận khí và chống đầy hơi. Nếu ăn thường xuyên và điều độ thì còn có tác dụng bổ khí, có khả năng chống lạnh cao và cao hơn nữa là điều tiết nội tạng để hấp thu thức ăn tốt hơn, cơ thể khỏe mạnh, mập mạp hơn.
Kiệu muối chua trắng, giòn, vị chua ngọt hài hỏa. Ảnh: Internet
Cách làm kiệu chua ngọt ngày Tết quá đơn giản đúng không nào? Tuy có thể sẽ khá mất thời gian nhưng bù lại có món ngon nhâm nhi suốt cả Tết hay cả năm. Cho nên, đừng ngại ngần thực hiện món ăn ngon ngày tết này ngay bạn nhé! Nếu muốn học thêm bí quyết chế biến các món ngon ngày Tết khác từ bếp trưởng giàu kinh nghiệm, bạn có thể điền ngay thông tin vào form bên dưới để được tư vấn chi tiết hơn.
Ý kiến của bạn