Giò Thủ

Giò thủ là món ăn ngon, được nhiều người yêu thích và thường xuyên có mặt trong mâm cơm ngày Tết. Hiện nay, món ăn này được bày bán rất nhiều trên thị trường, thế nhưng nhiều người đã học cách làm giò thủ tại nhà nhằm đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh.

cách làm giò thủ

Giò thủ là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền

Giò thủ hay nhiều nơi vẫn gọi bằng những cái tên khác như giò xào, giò hoa, giò mỡ. Loại giò này được làm từ thủ heo như tai, mũi, má… Đây là món ăn quen thuộc đặc biệt với người dân miền Bắc vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Người dân nơi đây thường dùng giò thủ để ăn kèm với hành muối, dưa góp. Thay vì mua sẵn ngoài tiệm, có rất nhiều người mong muốn được học cách thực hiện để tự làm tại nhà. Nếu bạn cũng có mong muốn trên, có thể tham khảo công thức được Dạy nấu ăn Gia đình, Mở quán ®™ chia sẻ dưới đây.

Cách làm giò thủ truyền thống đậm đà hương vị Tết

Nguyên liệu

  • 2kg thịt heo gồm 1.2kg tai heo, 400g lưỡi heo và 400g bắp chân giò trước (không lấy da)
  • 70g nấm mèo khô
  • 5 củ hành tím
  • 70g hành tím cắt lát
  • 2 nhánh gừng nhỏ
  • 1 muỗng canh đầu hành lá băm nhuyễn
  • 1 muỗng canh rượu nếp
  • Gia vị: muối, tiêu xay, tiêu sọ hạt (khoảng 1.5 muỗng cà phê), đường thốt nốt, hạt nêm, dầu ăn, nước mắm
  • Dụng cụ làm giò chả
  • 1 miếng lá chuối

Các bước thực hiện

Sơ chế nguyên liệu

Hành tím, gừng bỏ vỏ, rửa sạch, đập dập.

Nấm mèo ngâm nở, rửa sạch, thái sợi to bản dày khoảng 1cm.

Tiêu sọ rang thơm.

Lá chuối rửa sạch, lau khô.

Tai, lưỡi heo và thịt bắp chân giò sau khi mua về rửa thật sạch với muối, chanh. Sau đó, bạn bắc 1 nồi nước lên bếp, cho tai và lưỡi heo cùng với hành tím đập dập, gừng vào đun. Khi đun được 7 phút, bạn vớt lưỡi heo ra và tiếp tục luộc tai heo thêm 15 phút cho chín rồi vớt ra mang đi ngâm nước đá trong 15 phút, vớt ra để ráo nước. Với phần lưỡi heo, bạn dùng dao cạo phần da mỏng bị bong ra và rửa sạch lại, để thật ráo nước. Phần thịt giò bắp, lưỡi heo, tai heo bạn cắt thành lát dày khoảng 0.5cm.

Cách làm giò thủ truyền thống

Cắt thái nguyên liệu đúng kích thước để món ăn thơm ngon hơn. Ảnh: Internet

Ướp thịt

Cho tất cả thịt âu lớn, ướp cùng 1 muỗng canh đầu hành đập dập, 1 muỗng cà phê tiêu, 1.5 muỗng cà phê hạt tiêu sọ, 1 muỗng canh đường thốt nốt, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng cà phê bột ngọt, 20ml nước mắm ngon rồi trộn đều lên, để ướp trong khoảng 30 – 60 phút để thịt thấm gia vị.

Ướp thịt giò thủ

Ướp thịt cùng các loại gia vị. Ảnh: Internet

Xào thịt

Bắc chảo lên bếp, cho vào ½ chén nhỏ dầu ăn. Khi dầu nóng, cho hành tím cắt lát vào phi thơm, vàng. Sau đó, cho tất cả thịt vào đảo liên tục, xào trên mức lửa lớn. Trong lúc xào, bạn cho vào 1 muỗng canh rượu nếp. Xào thịt khoảng 15 phút, bạn cho nấm mèo và 1 muỗng cà phê tiêu vào xào thêm 5 phút nữa thì tắt bếp.

Xào thịt trên lửa lớn

Xào thịt trên lửa lớn. Ảnh: Internet

Gói giò thủ

Lót lá chuối vào bên trong khuôn, sau đó múc thịt đã xào vào rồi từ từ vặn ép nắp khuôn chặt xuống. Sau đó, bạn mang để trong ngăn mát tủ lạnh 5 – 6 tiếng.

Khi đã để đủ thời gian, bạn mang ra, đẩy nắp hết nấc, giò sẽ đẩy ra, bạn tiếp tục dùng tay đẩy là phần giò rơi ra khỏi khuôn. Bạn lật mở lớp lá chuối là đã có thể thưởng thức được.

gói giò thủ

Cho thịt vào khuôn làm giò chả. Ảnh: Internet

Yêu cầu thành phẩm

Các loại thịt heo không bị đen. Có độ giòn, dẻo, thơm, ngọt, đậm đà và không bị khô.

Một số lưu ý khi làm giò thủ

  • Thay thịt đầu bằng thịt chân giò trước sẽ giúp giò thủ ngọt hơn. Ngoài ra, bạn nên chọn bắp chân giò nhỏ vì thịt sẽ mềm hơn.
  • Không nên thái thịt bắp, lưỡi heo quá mỏng thì khi xào lên rất dễ bị khô, không giữ được độ ngọt, thành phẩm món ăn không được giòn.
  • Bạn nên chọn nấm mèo 2 da sẽ dày và ngon hơn.
  • Nếu không có đường thốt nốt, bạn có thể sử dụng đường cát. Tuy nhiên, đường thốt nốt sẽ cho món ăn hương vị ngọt thanh hơn.
  • Khi xào thịt nên điều chỉnh mức lửa lớn để không bị khô và đen.
  • Nên cho nấm mèo vào xào sau để giữ được độ giòn.
  • Nếu không có khuôn làm giò thủ, bạn có thể dùng chai nhựa để làm.

Một số cách làm giò thủ khác

Giò thủ chay

Nguyên liệu

  • 300g nấm đùi gà
  • 200g nấm đông cô
  • 15g nấm mèo khô
  • 5g boaro
  • 9g rau câu giòn
  • Gia vị: hạt nêm chay, tiêu giã dập

Cách làm

Hòa 9g bột rau câu với 350ml nước sôi khoảng 80 độ C và để cho bột rau câu nở.

Nấm mèo ngâm nở, cắt bỏ chân, rửa sạch, cắt sợi dày khoảng 3mm. Nấm đùi gà bỏ phần đầu, rửa sạch, cắt sợi. Hành boa rô cắt nhuyễn.

Bắc chảo lên bếp, cho vào 1 muỗng canh dầu ăn, đổ hành boa rô vào phi thơm. Đổ nấm đùi gà vào xào trên mức lửa trung bình. Khi xào được 2 phút, bạn tiếp tục cho nấm mèo vào và nêm 2 muỗng cà phê hạt nêm chay, ½ muỗng cà phê muối, 1.5 muỗng cà phê đường. Tiếp tục đảo ở lửa trung bình nhỏ cho đến khi thấy nấm ra nước thì tăng lửa lớn xào cho nấm chín. Sau đó, bạn đổ phần nước rau câu vào đun sôi lên. Cuối cùng, bạn cho ½ muỗng cà phê tiêu giã dập vào và tắt bếp.

Bạn cho bọc ni lông chịu nhiệt vào bên trong khuôn, múc hỗn hợp nấm vào, cột chặt miệng bọc lại, lắp nắp khuôn, vặn chặt, để nguội, cho vào ngăn mát tủ lạnh để qua đêm là đã có thể sử dụng được.

cách làm giò thủ chay

Giò thủ chay với vị giòn của rau câu và vị ngọt của nấm. Ảnh: Internet

Giò thủ bò

Nguyên liệu

  • 1.5kg bắp bò
  • 1kg da bò
  • 100g gừng
  • 3 củ tỏi
  • 30ml nước mắm
  • 2 muỗng cà phê tiêu giã dập
  • 2 muỗng cà phê bột ngọt

Cách làm

Gừng bỏ vỏ, giã nát, vắt lấy nước. Tỏi bỏ vỏ, giã nát, vắt lấy nước.

Thịt bắp bò rửa sạch, cắt thành lát dày vừa phải. Bắc chảo lên bếp, cho vào 1 muỗng canh dầu ăn, phi thơm cùng một ít xác tỏi, đổ thịt bắp bò vào xào nhanh tay, nêm vào 1 muỗng canh nước nắm, ½ muỗng cà phê bột ngọt. Xào cho thịt bò chín tái, tắt bếp.

Da bò rửa sạch với muối, cạo sạch lông. Luộc da bò với gừng và 1 muỗng cà phê muối. Khi da chín, bạn vớt ra ngâm với nước đá trong khoảng 15 phút, vớt ra, để ráo, cắt mỏng. Bạn dùng 1/3 số da cho vào nồi, đổ 1 ít nước vào đun, cho ra nước. Phần còn lại, bạn cho vào chảo xào tương tự như thịt bắp bò, nêm vào phần da bò phần gia vị giống với thịt bắp bò.

Cuối cùng, đổ thịt bò vào chảo da bò, thêm vào khoảng 2 muỗng canh nước nấu da bò, trộn đều lên và tắt bếp.

Múc hỗn hợp trên vào bọc chịu nhiệt, cuộn tròn lại và cố định bằng màng bọc thực phẩm bên ngoài. Sau đó mang để vào ngăn mát tủ lạnh trong khoảng 4 tiếng là đã có thể sử dụng được. Với lượng thịt trên, bạn có thể chia làm 4 cuộn chả nhỏ.

cách làm giò thủ bò

Giò thủ với hương vị lạ miệng. Ảnh: Internet

Giò thủ ngũ sắc

Nguyên liệu

  • 350g giò sống
  • 350g cái tai heo
  • 100g cà rốt
  • 20g hành tím
  • 30g nấm mèo ngâm nhỏ
  • 50g đậu Hà Lan
  • 1 lá rong biển
  • 3 quả trứng gà
  • 6 trứng muối
  • 2 miếng lá chuối, gia vị: muối, đường, hạt nêm, bột ngọt, tiêu, dầu ăn

Cách làm

Cà rốt cắt hạt lựu. Nấm mèo cắt sợi, hành tím cắt lát.

Bắc chảo lên bếp, cho vào 1 muỗng canh dầu ăn, đổ hành tím vào phi vàng.

Luộc chín tai heo, cắt mỏng. Đổ tai heo vào tô giò sống, thêm cà rốt, nấm mèo, đậu Hà Lan, nêm vào 1 muỗng cà phê đường, 1 ít muối, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê bột ngọt, ½ muỗng cà phê tiêu, hành tím phi. Bạn trộn đều tất cả lên cho thấm gia vị, để ướp 30 phút.

Đập trứng gà ra tô, trộn đều lên. Bắc chảo lên bếp, đổ vào 1 ít dầu ăn, dùng khăn giấy, thoa đều quanh chảo, thấm hết phần dầu, đổ hết trứng vào, đun cho trứng khô lại, tắt bếp.

Lá chuối, rửa sạch, mang ra nắng phơi 2 tiếng cho dẻo lại.

Trứng muối đập lấy lòng đỏ.

Trải lá chuối ra, đặt miếng trứng lên, tiếp theo là lá rong biển, múc hỗn hợp trên tán đều theo hình vuông của miếng rong biển, đặt trứng muối theo hàng vào giữa, cầm miếng lá chuối cuộn tròn lại, dùng 1 sợi dây buộc chặt ở giữa, gấp 2 đầu và cũng cố định bằng lá chuối, tương tự như gói bánh tét.

Bạn mang chả đi hấp trong 60 phút trên lửa lớn. Khi đã hấp đủ thời gian, lấy giò ra, để nguội là đã có thể thưởng thức.

cách làm giò thủ ngũ sắc

Giò thủ ngũ sắc hấp dẫn với tai heo, giò sống, trứng muối và các nguyên liệu khác. Ảnh: Internet

Với các cách làm giò thủ như trên, bạn đã có thể đa dạng thực đơn cho ngày Tết cổ truyền của mình rồi đấy. Nếu muốn học thêm các món ăn ngày Tết khác, hãy điền ngay thông tin vào form bên dưới để được tư vấn chi tiết hơn nhé!

Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!

Điểm: 5 (3 bình chọn)

Tác giả: Yến Huỳnh

Huỳnh Yến là một Biên Tập Viên lâu năm tại Dạy Nấu Ăn. Với rất nhiều kiến thức về các món ăn của Việt Nam cũng như thế giới, Huỳnh Yến đã mang đến cho Dạy Nấu Ăn những bài viết hướng dẫn nấu ăn hết sức hấp dẫn và nhận được nhiều sự quan tâm.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn