Dù ở miền ngược hay miền xuôi, dù còn khó khăn hay cuộc sống khá giả, gia đình nào cũng cố gắng sửa soạn thật đầy đủ cho mâm cơm những ngày Tết đầu năm mới thật đủ đầy. Mặc dù ở cuộc sống hiện đại, nhiều người quan niệm rằng Tết không nhất thiết phải quá cầu kỳ, song vẫn có những món ăn vừa thể hiện đậm đà không khí Tết, vừa không bị ngấy mà bạn nhất định không thể bỏ qua.
Không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta nói rằng “No ba ngày Tết”. Những món ăn ngon ngày tết không chỉ thể hiện sự khéo léo, đảm đang của người chuẩn bị mà còn mang những ý nghĩa nhân văn nhất định, vì thế mâm cơm càng trịnh trọng càng thể hiện được tấm lòng thành kính và nhiều nguyện ước của mỗi gia đình. Có rất nhiều món ăn trong ngày Tết ở những vùng miền khác nhau, song có những món ăn trải qua lịch sử bao năm vẫn không thay đổi, vẫn còn xuất hiện trên mâm cơm của người Việt như một truyền thống, một nét đẹp trong ẩm thực ngày Tết nói riêng và văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung.
Bánh chưng là món ăn được ví như “linh hồn” của ẩm thực Tết Việt Nam
Bánh chưng/bánh tét
Bánh chưng, bánh tét là 2 món bánh “linh hồn” trong mâm cơm Việt ngày Tết. Bánh được làm từ gạo nếp, nhân thịt, đậu xanh gói công phu trong lớp lá dong hoặc lá chuối – những nguyên liệu thuần nông nghiệp, biểu tượng cho nền nông nghiệp lúa nước rất đặc trưng ở nước ta từ thuở xưa. Bánh chưng ra đời gắn với sự tích chàng Lang Liêu, biểu tượng cho sự vuông vức của đất, cũng đồng thời thể hiện tấm lòng thành kính, hướng về cội nguồn của nhân dân ta. Về sau, người dân sinh sống tại Nam Bộ mới sáng tạo ra bánh tét, cũng dựa trên những nguyên liệu và cách làm tương tự như bánh chưng.
Mâm cơm ngày Tết Việt với bánh chưng, thịt gà, chả giò, giò lụa, canh măng, xôi gấc…
Gà luộc
Trong mâm cỗ cúng ngày Tết đêm 30 hoặc mùng 1, đa số các gia đình đều chuẩn bị sẵn món thịt gà. Thịt gà được ví như sự biểu tượng cho sự khởi đầu gặp nhiều may mắn, vạn phúc đong đầy. Vì thế gà được chọn luôn thật chắc thịt, to. Ở nhiều gia đình, gà cũng được luộc nguyên con chứ không chặt nhỏ.
Thịt đông, thịt kho tàu
Thịt đông là món ăn ngày Tết quen thuộc của người miền Bắc. Trong khi đó, thịt kho tàu lại phổ biến hơn ở các tỉnh miền Nam.
Sự sáng tạo ra món thịt đông với lớp thạch đông tự nhiên một phần được lý giải từ hiện tượng khí hậu lạnh, rét vào mỗi dịp đầu năm ở phía Bắc. Mặt khác, miền Nam lại chịu ảnh hưởng khá nhiều từ ẩm thực của người Hoa, vì thế có rất nhiều món ăn có nguồn gốc từ Trung Hoa đã được người dân học tập và chế biến lại theo phong cách riêng của mình. Từng miếng thịt vuông vức, đầy đặn thường biểu tượng cho sự no ấm, đủ đầy và sự trọn vẹn. Lớp thạch trong của món thịt đông còn biểu tượng cho đường tình duyên thuận lợi, trong trẻo vạn niên. Vì thế trong mâm cơm nhà nào cũng thường có món thịt đông hoặc thịt kho tàu đầu năm.
Thịt đông ăn kèm với dưa chua chống ngán ngày Tết
Dưa hành, củ kiệu
Ngày Tết có một câu đối vô cùng nổi tiếng như sau:
“Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Dưa hành, củ kiệu dẫu đơn giản nhưng nhất định không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của rất nhiều gia đình. Hành muối phổ biến ở miền Bắc, củ kiệu lại phổ biến hơn ở miền Nam. Đây là những món ăn thường được dọn kèm với bánh chưng, bánh tét để chống ngán, chống ngấy. Hành, kiệu muối ngon phải đạt được vị chua thanh chứ không gắt, củ trắng và có độ giòn. Dân dã là thế nhưng đã ăn bánh chưng thì nhất định phải có củ kiệu, dưa hành. Sự hòa quyện của món thịt với chút chua chua của củ kiệu, dưa hành đã đánh thức vị giác của người Việt và cả những vị khách nước ngoài đến thưởng thức ẩm thực Tết ở Việt Nam.
Tết là mùa để sum họp, quây quần. Một mâm cơm Tết trọn vẹn không chỉ có những món ăn ngon mà còn có đầy đủ các thành viên gia đình, chúc nhau những lời tốt đẹp, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui vẻ đầu năm. Dạy nấu ăn Gia đình, Mở quán ®™ xin chúc cho năm mới của bạn thật yên vui, hạnh phúc bên gia đình; chúc cho một năm mới của tất cả chúng ta vạn sự như ý, mọi sự thành công!
Ý kiến của bạn