Bánh Chưng

Cách gói bánh chưng quả thật từng khiến nhiều người nản chí vì mức độ khó. Nhưng, mâm cơm ngày Tết mà thiếu bánh chưng thì thiếu hẳn vị Tết. Bánh chưng tự làm không chỉ để thưởng thức mà còn là cách để lưu giữ truyền thống, để thể hiện lòng thành khi biếu tặng người thân hay dâng lên tổ tiên.

bánh chưng

Tết này bạn đã học cách gói bánh chưng chưa?
(Ảnh: Quán ăn ngon)

Quy trình gói bánh chưng nhọc nhằn thế có thể tạm quy thành 3 bước: chuẩn bị sơ chế, gói bánh và nấu bánh. Trong từng bước, chúng tôi đều có lưu ý cụ thể và cả thời gian bảo quản bánh. Theo dõi và từ từ thực hiện theo Dạy nấu ăn Gia đình, Mở quán ®™ nhé!

NGUYÊN LIỆU

Đối với việc gói bánh chưng, tất nhiên chúng ta không thể nào gói 1-2 cái được rồi đúng không nào? Ít thì cũng phải 10 cái, nhiều khi có khi lên đến vài chục cái. Định lượng mà Daynauan.info.vn giới thiệu dưới đây là định lượng cho khoảng 5 – 6 cái bánh chưng lớn (kích thước khoảng 20 – 22cm vuông).

  • 1 bó lá dong và dây lạt
  • 400gram nếp cái ngon
  • 500gram thịt ba chỉ ngon, đều nạc và mỡ
  • 100gram đậu xanh đã đãi vỏ
  • Hành, tỏi, tiêu
  • Các gia vị: nước tương, nước mắm, muối, bột ngọt
  • Khuôn gói bánh chưng.

CÁC BƯỚC THỰC HIỆN

Nguyên liệu gói bánh chưng

Nguyên liệu gói bánh
(Ảnh: Internet)

Sơ chế đậu, nếp và thịt

Kỳ thực mà nói, gói bánh chưng không đơn giản. Tuy nhiên nếu chịu khó học thì không gì là không thể. Chúng ta cứ tập làm từ từ từng bước nhé.

Đậu xanh đã đãi vỏ cho vào nồi với khoảng 1 lít nước, nấu cho mềm đậu. Nếu chưa đãi vỏ, bạn ngâm đậu qua đêm là có thể tách vỏ ra được. Sau khi nấu đậu mềm, nước cạn thì bạn dùng muôi canh tán nhuyễn, thêm 1 muỗng canh nhỏ muối và một chút tiêu, trộn đều và vo viên. Cứ mỗi viên đậu sẽ cho vào 1 chiếc bánh nên bạn canh lượng bánh và đậu để vo nhé.

Đối với gạo nếp thì nhất định là phải chọn nếp ngon rồi. Nếp đem ngâm 2 tiếng (nhưng với định lượng lớn để nấu trên 20 cái bánh thì cần phải ngâm qua đêm đấy), sau đó vo sạch và để cho ráo bớt nước.

Mẹo cho nếp ráo nước: Sau khi vo xong bạn lược nếp qua rây thì sẽ gạn hết nước ra. Chắt nước xong, bạn nêm vào nếp 1 muỗng canh hạt nêm và 1 muỗng muối rồi trộn đều cho thấm.

Còn phần thịt ba rọi thì quen thuộc với chúng ta rồi. Bánh chưng phải nấu khoảng 8 – 10 tiếng nên thịt nên thái to, không thì sẽ bị nát. Sau khi cắt thịt, bạn nêm thịt với 1 muỗng canh hạt nêm, hành và tỏi băm, tiêu (cũng mỗi gia vị một muỗng luôn cho đều nhé). Muốn thịt thật thấm thì ướp ít nhất trong 1 tiếng 30 phút nhé!

Giờ thì chuyển sang công thức gói bánh chưng và nấu chín bánh thôi!

Gói bánh chưng

Lá dong tất nhiên là phải rửa sạch và lau thật khô trước. Lá lau khô xong bạn cắt bỏ cuống ở đầu và phần lá nhọn ở đuôi lá (nhưng đừng cắt phạm quá nhiều sẽ khiến lá bị quá nhỏ đấy).

Xếp lá vào khuôn

Xếp lá vào khuôn
(Ảnh: Internet)

Và cho nhân vào gói bánh

Và cho nhân vào gói bánh
(Ảnh: Internet)

Bây giờ là bước khó nhất rồi đây:

Mỗi một chiếc bánh như thế chúng ta cần khoảng 4 lá. Và cách gói bánh chưng đẹp đơn giản nhất chính là gói bằng khuôn. Bạn xếp 4 lá này vào khuôn theo hướng vuông góc với nhau. Lớp lá đầu tiên và lá thứ 2 úp mặt xanh bóng xuống dưới, lớp lá thứ 3 và thứ 4 úp mặt xanh bóng lên trên. Lưu ý là khi xếp lá, tất cả mặt xanh bóng của lá dong đều phải quay ra ngoài, mặt xanh nhám úp vào trong.

Nếu không gói bằng khuôn, chúng ta có thể gói tay nhưng khá khó đấy. Bạn xếp lá thành hình chữ thập (nhớ quy tắc hướng mặt xanh bóng ra phía ngoài nhé), sau đó đổ nhân vào và khéo léo xếp các góc lá lại và buộc chặt sao cho khi nấu nhân không bị rơi ra ngoài.

Gói bánh không cần khuôn

Hoặc gói bánh không cần khuôn
(Ảnh: Internet)

Xếp lá xong thì bạn cho một lớp nếp tán đều, tiếp một lớp đậu xanh rã nát, tán đều, tiếp theo là thịt và cuối cùng là đổ thêm một lớp nếp nữa, tán đều rồi gấp lá lại. Dùng lạt mềm để cố định bánh.

Bánh chưng nấu chín phải ép

Bánh chưng nấu chín phải ép
(Ảnh: Internet)

Nấu chín bánh chưng

Xếp bánh chưng vào nồi và đổ ngập nước. Nấu liên tục trong 8 – 10 tiếng. Cứ 1 tiếng bạn lại mở nắp nồi ra, nếu nước quá cạn thì phải châm thêm nước. Lưu ý thời gian luộc bánh chưng phải ít nhất 8 tiếng thì bánh mới có thể chín, do đó nên nấu bằng bếp củi thì sẽ tiết kiệm gas.

Sau khi nấu bánh chưng xong, bạn xếp bánh lên một miếng ván hoặc bàn hoặc một mặt phẳng bất kỳ. Tiếp sau đó, bạn dùng một mặt phẳng khác đặt lên bánh và cuối cùng là đặt lên xô nước, viên gạch hoặc bất cứ vật nặng nào. Đây được gọi là bước ép bánh. Ép bánh vừa giúp cho bánh ra hết nước trong quá trình luộc suốt thời gian dài, vừa là cách để định hình lại cho bánh đẹp hơn.

Thời gian ép bánh khoảng qua đêm.

Bảo quản bánh chưng trong bao lâu?

Bánh chưng khi chưa bóc thì có thể bảo quản bên ngoài được khoảng 3 – 4 ngày (trong điều kiện nhiệt độ dưới 28 độ C) và khoảng 1 tuần đến 10 ngày nếu bảo quản trong tủ lạnh.

Tuy nhiên, bánh chưng nếu đã bóc thì dù có bảo quản bên ngoài hay trong tủ lạnh thì chỉ nên dùng trong khoảng 3 ngày trở lại thôi bạn nhé.

Bánh chưng làm nên hương vị ngày Tết. Dẫu có bận rộn, cũng nên lắm việc học cách tự gói bánh chưng để tự tay làm nên một cái Tết thật sum vầy, ý nghĩa cho mái nhà nhỏ của mình.

Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!

Điểm: 5 (7 bình chọn)

Tác giả: Yến Huỳnh

Huỳnh Yến là một Biên Tập Viên lâu năm tại Dạy Nấu Ăn. Với rất nhiều kiến thức về các món ăn của Việt Nam cũng như thế giới, Huỳnh Yến đã mang đến cho Dạy Nấu Ăn những bài viết hướng dẫn nấu ăn hết sức hấp dẫn và nhận được nhiều sự quan tâm.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn