Lẩu bò sa tế là món ăn cực kì phổ biến và được kinh doanh rất nhiều trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, với công thức sau đây, bạn có thể tự mình thực hiện món việt ngon này tại nhà cho gia đình, vừa ngon, vừa chất lượng và đảm bảo được vệ sinh.
Lẩu bò sa tế hấp dẫn khi ăn kèm nhiều loại rau khác nhau (Ảnh: Internet)
Lẩu luôn là món ăn được ưu tiên hàng đầu cho các buổi họp mặt bạn bè hay trong thực đơn của nhiều buổi tiệc. Đôi khi nhìn vào thực đơn tiệc, thiếu đi món lẩu là một điều bất thường. Có thể dùng nhiều nguyên liệu khác nhau để nấu lẩu, thịt bò là một trong số đó. Để món lẩu bò ngon không ngán, bạn có thể thử làm lẩu bò nấu sa tế để đổi vị theo hướng dẫn dưới đây do Dạy nấu ăn Gia đình, Mở quán ®™ chia sẻ.
NGUYÊN LIỆU
- Thịt bò, gân bò: 500gr
- Xương ống: 500gr
- Củ cải trắng: 200gr
- Nấm rơm: 200gr
- Khoai môn: 200gr
- Mì trứng: 4 vắt
- Đậu hũ: 2 miếng
- Cải ngọt, ngải cứu, mồng tơi: 500gr
- Sả cây, tỏi, ớt, hành, hồi, quế
- Dầu điều, chao, đường, muối, bột ngọt, nước mắm,…
CÁC BƯỚC THỰC HIỆN
Nấu nước dùng ăn lẩu
Bạn nên phân biệt nước dùng là nước hầm xương nguyên chất, chưa nêm thêm gia vị . Để trở thành nước lẩu, nước dùng cần nêm nếm thêm nhiều gia vị khác mới đậm đà.
Nước dùng nấu từ xương ống cho vị ngọt đậm đà (Ảnh: Internet)
Để nấu nước dùng, bạn mua xương ống về rửa sạch, luộc sơ để loại bỏ bớt bọt bẩn. Sau khi luộc xong, cho nước vào hầm xương để ra hết chất ngọt. Thời gian hầm xương trung bình khoảng 2 tiếng. Sau khi hầm xương đủ thời gian, bạn cho tiếp hồi, củ cải trắng (gọt vỏ, cắt khúc to), quế vào và tiếp tục hầm.
Sơ chế rau ăn kèm lẩu
Rau là thành phần quan trọng của món lẩu nên cần được chú trọng. Chọn đúng loại rau ăn với bò nấu sa tế không chỉ chống ngán mà còn tăng hương vị cho món ăn. Không cần băn khoăn lẩu bò ăn rau gì, bạn có thể sử dụng nhiều loại như cải bẹ canh, cải ngọt, rau mồng tơi, rau má, bông bí, cà tím,… đều được.
Bạn phân chia mua mỗi loại rau một ít, sau đó rửa sạch và để ráo. Lưu ý khi rửa nên nhẹ tay tránh để rau bị dập nát.
Sơ chế thịt bò
Thịt bò cắt thành miếng vừa ăn, không quá mỏng, không quá dày. Nếu dùng gân bò, bạn nên luộc sơ trước sau đó để nguội rồi cắt khúc. Lưu ý, gân bò chỉ nên luộc sơ không nên luộc quá chín mềm.
Thịt bắp bò là lựa chọn hoàn hảo khi nấu lẩu (Ảnh: Internet)
Chuẩn bị sa tế cay đúng điệu
Sa tế cay là một trong những nguyên tạo nên điểm khác biệt cho món lẩu bò này. Sau khi mua sa tế làm sẵn ở tiệm về, bạn nên tiến hành bước sơ chế để sa tế thêm phần cay nồng.
Bạn băm nhuyễn sả, tỏi. Đun nấu chảo dầu trên bếp, khi dầu nóng thì cho phần sả, tỏi, ớt đã băm nhuyễn vào xào đến khi săn lại thì cho màu dầu điều vào để tạo màu đẹp mắt.
Tự làm sa tế vừa an toàn vừa có được độ cay và màu sắc như ý (Ảnh: Internet)
Nấu nước lẩu đậm đà
Bạn múc nước dùng ra nồi lẩu, để lên bếp nấu cho sôi, sau đó nêm nếm gia vị, cho thêm hành tây vào. Khi nước lẩu vừa ăn thì cho thêm sa tế vào để tạo vị cay và màu đẹp mắt.
Trình bày món ăn
Xếp thịt bò, gân bò, rau ra dĩa. Dọn bếp, nồi lẩu ra giữa bàn, xếp rau, thịt, mì, nước chấm xong quanh. Khi nấu nước lẩu sôi, bạn cho gân bò vào trước, cho rau, mì vào. Với thịt bò đã cắt miếng nên nhúng khi ăn thay vì cho hết vào nồi sẽ làm thịt dai, mất ngon.
Cách dọn lẩu bò phổ biến (Ảnh: Internet)
Bí quyết nấu lẩu bò sa tế ngon
Để nước lẩu có vị hấp dẫn, hài hòa và không bị ngấy, khi nấu bạn cho thêm vào một giấm gạo lên men. Vị chua của giấm khá phù hợp khi kết hợp cùng sa tế. Đặc biệt, giấm gạo còn kích thích tiêu hóa, giúp bạn tránh bị khó tiêu sau khi ăn.
Với công thức nấu lẩu bò sa tế vừa được giới thiệu, bạn chắc hẳn sẽ có được món lẩu thơm ngon trong những bữa tiệc hoặc đổi món cho gia đình vào cuối tuần.
Ý kiến của bạn