Món Ngon Ngày Tết Miền Bắc

Ẩm thực ngày Tết luôn được quan tâm đặc biệt bởi Tết là thời điểm mọi người quây quần bên mâm cơm gia đình. Hãy cùng Dạy nấu ăn Gia đình, Mở quán ®™ khám phá thực đơn món ngon ngày Tết miền Bắc trong bài viết sau đây để có thêm những gợi ý món ăn hàng ngày nhé.

Bánh chưng dưa hành

Nhắc đến bữa ăn ngày Tết cổ truyền của người Việt thì không thể thiếu bánh chưng, món ăn thể hiện ý nghĩa cầu mong một năm mới ấm no, hạnh phúc. Bánh chưng được làm từ gạo nếp dẻo, nhân thịt, đậu xanh, rắc chút gia vị tiêu xay, dùng lá dong gói chặt tay rồi đem luộc từ 14 – 16 tiếng. Bánh chưng có vị thơm dẻo của gạo nếp, ngọt bùi của đậu xanh, vị béo ngậy của thịt mỡ với hương thơm đặc trưng của tiêu, hành và lá dong.

Bánh chưng dưa hành

Bánh chưng dưa hành là món ăn truyền thống ngày Tết (Ảnh: Internet)

Vì bánh chưng chứa nhiều chất béo và tinh bột từ thịt mỡ, gạo nếp nên việc dùng kèm bánh chưng với dưa hành rất được ưa chuộng, giúp làm cảm giác ngấy và món ăn đậm đà hương vị hơn. Vị chua dịu, cay nhẹ của dưa hành vừa giúp tăng hương vị, vừa giúp cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn vì dưa hành chứa nhiều vi khuẩn có lợi cho đường ruột.

Thịt nấu đông

Tết ở miền Bắc thường có không khí se lạnh hơn hẳn những vùng miền khác. Do đó mà thịt nấu đông là một trong những món ăn rất đặc trưng của ngày Tết miền Bắc. Món ăn này càng trở nên ngon hơn khi được thưởng thức trong không khí se lạnh.

Thịt nấu đông

Thịt nấu đông rất thích hợp để ăn trong những ngày se lạnh (Ảnh: Internet)

Thịt đông được làm từ thịt ba chỉ tươi ngon, đôi khi thay bằng chân giò lợn hoặc thịt gà, cộng thêm một chút bì lợn và mộc nhĩ thái nhuyễn, ninh nhừ tất cả nguyên liệu đến khi chín mềm rồi tắt bếp. Sau khi nấu xong, bạn lấy khỏi bếp và ủ nồi thịt trong ngăn đá tủ lạnh hoặc để ở nhiệt độ phòng nếu thời tiết đang vào những ngày lạnh giá. Thịt nấu đông có thể được ăn cùng dưa hành chua dịu để giảm cảm giác ngấy.

Nem rán

Nem rán đã trở thành món ăn quen thuộc trong mâm cơm những ngày lễ Tết. Nem rán được làm từ thịt lợn nạc băm nhuyễn, nấm hương, mộc nhĩ, hành khô, giá sống (hay củ đậu), trứng, hạt tiêu, muối, gia vị… Có thể thêm tôm nõn hoặc thịt cua để phần nhân hấp dẫn hơn. Trộn đều tất cả nguyên liệu với gia vị rồi dùng bánh tráng gói lại thành những cuốn tròn, chiên ngập dầu trong chảo nóng đến khi nem chuyển màu vàng sậm, chín đều, dậy mùi hương thơm phức. Nước chấm nem rán phải pha chế thật ngon, kết hợp hài hòa giữa vị chua, cay, mặn, ngọt của các loại gia vị và dậy mùi thơm của tỏi, ớt.

Nem rán

Nem rán là món ăn quen thuộc trong mâm cơm những ngày lễ Tết (Ảnh: Internet)

Giò lụa, giò thủ

Giò lụa, giò thủ đều là những món ăn rất quen thuộc trong thực đơn ngày Tết miền Bắc. Giò lụa là hỗn hợp của thịt heo xay nhuyễn cùng một số loại gia vị, bọc trong lá chuối thành hình ống, buộc lạt giang rồi luộc trong khoảng 60 phút. Hoặc hấp cách thủy trong khoảng 70 – 80 phút cũng là một cách làm phổ biến. Áp dụng cách làm tương tự với thịt bỏ bạn sẽ có món giò bò.

Giò thủ dai ngon

Giò thủ dai ngon, sần sật trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày Tết (Ảnh: Internet)

Với giò thủ thì thịt và tai lợn không giã nhuyễn mà thái mỏng, trộn với mộc nhĩ, nước mắm, hạt tiêu rồi xào chín. Sau đó bọc trong lá chuối tươi, buộc lạt cho chặt rồi đem luộc hoặc hấp chín. Những khoanh giò mịn, thơm ngon được cắt đều vuông vức đã trở thành món ăn không thể thiếu trong bữa ăn những ngày Tết.

Canh măng lưỡi lợn

Một bát canh măng lưỡi lợn sẽ giúp bạn làm ấm bụng trong những ngày Tết se lạnh ở miền Bắc. Măng lưỡi lợn là những đọt măng non vừa nhú có hình dạng gần giống lưỡi lợn, đặc, chắc và không có sợi xơ. Măng lưỡi lợn ngâm qua đêm hoặc nếu cẩn thận bạn có thể ngâm trong 1 – 2 ngày để xả sạch chất dơ. Sau khi ngâm, cắt măng lưỡi lợn thành từng miếng vừa ăn rồi luộc 2 lần trên bếp. Ninh măng thêm khoảng 1 – 2 tiếng cho măng mềm rồi vớt ra rửa lại với nước sạch. Bạn có thể ngâm măng trong nước vo gạo để măng mềm và thơm hơn.

Canh măng lưỡi lợn

Canh măng lưỡi lợn có sức hấp dẫn đặt biệt (Ảnh: Internet)

Chuẩn bị nồi chân giò lợn (có thể thay bằng thịt gà, sườn…) được ninh mềm sẵn. Xếp một lớp măng, một lớp giò heo vào nồi, đổ nước xâm xấp, hầm với lửa cháy vừa phải. Chú ý vớt bọt thường xuyên, đun đến khi măng chín mềm thì nêm gia vị vừa ăn, rắc một ít tiêu xay và hành thái nhỏ rồi thưởng thức. Vị béo thơm của thịt hòa quyện với vị ngọt bùi của măng tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho món ăn.

Thịt bò kho quế

Thịt bò kho quế thường được chuẩn bị từ ngày 29 Tết để cúng vào trưa ngày 30 và để ăn dần trong những ngày đầu năm. Để làm món này, bạn chọn loại thịt bò nạm, sơ chế sạch rồi ướp với nước cốt tỏi, nước mắm, muối, ngũ vị hương rồi cho thịt ba chỉ cắt mỏng vào giữa, cuộn tròn lại, dùng lạt buộc chặt.

thịt bò kho quế

Thịt bò kho quế ăn với cơm nóng rất ngon (Ảnh: Internet)

Trước khi kho, bạn chiên sơ để dậy mùi thơm của thịt, sau đó thả thịt vào nồi nước sôi được nêm sẵn tương, gia vị và một ít quế. Nấu đến khi thịt chín mềm thì tắt bếp, gỡ lạt và cắt thịt thành khoanh vừa ăn. Thịt bỏ kho quế có vị béo ngậy của thịt mỡ quyện với hương thơm cay ấm của bột quế, thưởng thức cùng với hủ tiếu hay cơm nóng đều rất ngon.

Bún chả Hà Nội

Bên cạnh những món ăn truyền thống, bạn cũng có thể thỉnh thoảng đổi vị với món bún chả Hà Nội. Sợi bún trắng tinh ăn cùng thịt nướng thơm phức, kết hợp cùng nước mắm chua ngọt tạo nên món ăn có mùi vị đặc trưng rất hấp dẫn. Thịt ba chỉ mua về rửa sạch, tẩm ướp gia vị đậm đà kết hợp với thịt nạc giã nhuyễn, vo viên lại rồi đem nướng trên bếp than đến khi chín đều, dậy mùi hương thơm lừng. Thịt nướng ăn kèm bún tươi, thêm chút rau sống và nước mắm chua ngọt đậm đà.

bún chả hà nội

Bún chả cũng là một món ăn hấp dẫn trong ngày Tết (Ảnh: Internet)

Chè kho

Ngày Tết bên cạnh bánh chưng, giò thủ, nem rán… thì chắc chắn không thể thiếu đĩa chè kho nóng hổi. Món chè kho mang ý nghĩa đem đến sự may mắn và sung túc cho năm mới. Chính vì vậy, đầu năm người ta thường nấu chè kho để thưởng thức vào ngày Tết nhằm cầu mong một năm mới sung túc, gặp nhiều thuận lợi và mọi chuyện đều như ý muốn.
Cách chế biến chè kho cũng rất đơn giản. Bạn rửa sạch đậu xanh, ngâm khoảng 30 phút cho đậu nở mềm, xóc nhẹ cho ráo nước. Tiếp đến bạn đổ nước sôi vào 1/3 nồi hấp, đun lửa to đến khi có hơi nước bốc lên thì cho đậu xanh vào, đậy kín nắp và hấp khoảng 20 phút. Sau khi đậu xanh đã chín, đem đậu giã tơi nhuyễn.

chè kho

Chè kho mang ý nghĩa đem đến sự may mắn và sung túc cho năm mới (Ảnh: Internet)

Đập dập 1 củ gừng, cho 500ml nước sôi vào, đun nước gừng trong khoảng 20 phút. Lọc lấy 1 bát nước gừng, cho đường vào nước gừng và khuấy cho đường tan hoàn toàn. Cho đậu xanh vào nước gừng vừa pha, khuấy đều đến khi tạo thành hỗn hợp chè sền sệt. Bắc nồi chè lên bếp, đun liu riu trong khoảng 2 – 3 tiếng đến khi chè cạn nước, keo lại và kết dính là đạt yêu cầu. Bạn rang thêm một ít vừng trắng, giã vừng rồi xóc nhẹ cho hết vỏ. Khi dọn món, bạn thêm chút hương hoa bưởi và vừng rang để món chè thơm ngon hơn.

Qua những gợi ý thực đơn món ngon ngày Tết miền Bắc đã chia sẻ, dịp lễ Tết này bạn có thể chế biến những món ăn dinh dưỡng cho gia đình mình rồi. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào hay muốn biết thêm những công thức nấu các món Việt khác, hãy để lại thông tin ở form bên dưới để Daynauan.info.vn tư vấn khóa học nấu ăn phù hợp nhé.

Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!

Điểm: 4.5 (8 bình chọn)

Tác giả: Thanh Tuyền

Thanh Tuyền là một tác giả lớn của Dạy Nấu Ăn. Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại vị trí Bếp Chính, cô đã nắm giữ rất nhiều vị trí làm việc quan trọng tại các Khách Sạn lớn. Sở hữu nhiều kỹ năng về Nghề và Nấu Ăn, cô đã tham gia cộng tác cùng Dạy Nấu Ăn trong công tác đào tạo và bài viết để mang lại nhiều kiến thức chuyên môn hơn đến người đọc.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn