Thớt là dụng cụ quan trọng trong mọi gian bếp từ chuyên nghiệp cho đến gia đình. Chúng giúp giữ cho khu vực nấu nướng sạch sẽ, dao sắc bén và mặt bếp không bị trầy xước. Ngoài nhiệm vụ cắt thái, thớt còn trở thành dĩa phục vụ các món khai vị, tráng miệng. Với công dụng vô cùng quan trọng của chúng, bạn đã biết cách bảo quản thớt chưa?
Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách lựa chọn được loại thớt phù hợp, cách chăm sóc và những thói quen cần tránh để tăng “tuổi thọ” cho chúng.
Thớt gỗ
Thớt gỗ được ví như một chiếc quần jean bởi sự thiết thực và bền chắc. Tương tự như kim loại, gỗ có thể tồn tại suốt đời nếu được chăm sóc đúng cách. Nhược điểm của thớt gỗ là dễ bị thấm nước, thỉnh thoảng cong vênh hoặc nứt nhưng nếu chọn đúng loại gỗ và xử lý tốt thì sẽ mang lại hiệu quả lâu dài.
Nên làm | Không nên làm |
---|---|
Chọn loại gỗ chất lượng cao nếu có thể hãy mua loại được làm thủ công. Một tấm thớt gỗ tốt là có độ cứng cao, bề mặt bằng phẳng. Giữ cho thớt gỗ luôn khô ráo và dùng khăn mềm thấm dầu dừa hoặc dầu khoáng lau lên mặt thớt để tránh thấm nước và mùi hôi. Sau khi sử dụng xong, làm sạch thớt bằng xà phòng rửa chén và nước ấm rồi để thớt tự khô trong không khí. | Lỗ hổng trên các vân gỗ sẽ hấp thụ, giữ mùi thức ăn và rất khó tẩy trùng. Do đó, bạn không nên cắt thịt hoặc hải sản sống trên thớt gỗ. Hãy cắt rau củ, bánh mì, phô mai, trái cây trên thớt gỗ. Không nên chọn các loại gỗ mềm để làm thớt vì sẽ làm mòn dao và lẫn vụn gỗ trong thức ăn. Không nên bôi dầu ăn lên thớt gỗ vì chúng sẽ dẫn đến tình trạng ôi thiu, khiến tấm thớt bị lên mốc. |
Dùng dầu dừa hoặc dầu khoáng bôi lên thớt gỗ để
chống thấm nước và hạn chế mùi. Ảnh: Internet
Thớt đá
Thớt đá sẽ khiến cho những khung ảnh chụp đồ ăn trở nên sạch sẽ, lung linh tuy nhiên nó hoàn toàn không hợp với một nhà bếp “bận rộn”. Thực phẩm hoặc dao sẽ bị trượt khỏi tấm thớt đá gây nguy hiểm. Ngoài ra, trọng lượng khá nặng sẽ khiến cho việc vệ sinh và cất giữ trở nên khó khăn. Nhưng nếu, bạn quá yêu thích thì có thể tham khảo một số điều nên làm và không nên làm khi sử dụng thớt đá dưới đây.
Nên làm | Không nên làm |
---|---|
Sử dụng thớt đá để nhào bột cho bánh nướng, bánh quy, mì ống vì chúng hoàn toàn không bết dính. Rửa thớt đá bằng tay với miếng bọt biển hoặc giẻ mềm có thấm chất tẩy rửa nhẹ. Có thể pha giấm với xà phòng rửa chén để vệ sinh thớt tuy nhiên không lạm dụng quá nhiều giấm. Dao cắt pho mát hoặc bơ sử dụng được trên thớt đá. | Không dùng để cắt bất cứ thực phẩm nào, đặc biệt là rau củ vì chúng có thể làm hỏng dao, gây trơn trượt, nguy hiểm có thể xảy ra. Không nên rửa thớt đá trong máy rửa chén. Cũng không nên để thớt đá bị thay đổi nhiệt độ quá mạnh. Hai điều này có thể gây nên những vết nứt trên thớt. |
Thớt đá nên sử dụng cho việc nhào bột. Ảnh: Internet
Thớt nhựa
Thớt nhựa có nhiều ưu điểm và đang được sử dụng tại hầu hết các quán ăn, nhà hàng, khách sạn… Bề mặt cứng nhưng không xốp giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn chéo. Đồng thời, chúng cũng rất dễ làm sạch kể cả trong máy rửa chén và cực kỳ bền.
Nên làm | Không nên làm |
---|---|
Sử dụng đúng màu thớt quy định cho từng loại thực phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn chéo. Đặt một chiếc khăn ẩm dưới thớt nhựa để giữ cho chúng không bị trơn trượt. Bạn có thể vệ sinh thớt nhựa sau khi cắt thịt hoặc hải sản sống bằng hỗn hợp baking soda, muối và nước với tỷ lệ tương đương nhau. | Không để thớt nhựa tiếp xúc với nhiệt độ nóng. Đừng quên mài dao trước khi cắt thái trên thớt nhựa vì bề mặt của chúng có thể rất cứng đối với các lưỡi dao. |
Sử dụng thớt nhựa theo màu phù hợp với từng nhóm thực phẩm. Ảnh: Internet
Sau khi đã vệ sinh sạch sẽ, bạn nên treo thớt lên giá đỡ hoặc móc để bảo quản và tiện lợi hơn khi sử dụng các lần sau đó. Hy vọng với những chia sẻ trên, bạn đã biết cách chăm sóc từng loại thớt của mình tốt nhất để đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, thuận tiện, nhanh chóng hơn trong các công đoạn nấu nướng.
Ý kiến của bạn